Zero waste Ecopark – Nỗ lực không rác thải tại Ecopark
“Zero waste” (tạm dịch: Không rác thải) được xem là giải pháp đem lại tương lai bền vững, với những hành động thực tế để tái thiết lại cách sử dụng tài nguyên và nhiên liệu trong xã hội. Trong đó, việc áp dụng phương thức tiên tiến giúp giảm lượng rác thải, tiến tới tái chế 100% được đề cao. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, những cộng đồng “Zero waste” đang dần hình thành. Tại Việt Nam, chiến dịch “Zero Waste” tại Khu đô thị xanh Ecopark cũng dần mở đường cho một cuộc sống thân thiện với môi trường đúng nghĩa.
Theo ông Nguyễn Dũng Minh – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark, “Zero Waste” là mục tiêu lâu dài mà khu đô khi này hướng đến. Ông chia sẻ: “Thực tế, bảo vệ môi trường không chỉ là việc mang tầm vĩ mô, mà có thể bắt đầu từ những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày”. Chính vì thế, chiến dịch Zero Waste Ecopark không chỉ dừng ở những khẩu hiệu, băng rôn, mà được khuyến khích thực hiện qua từng hành động cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi công ty để có được hiệu quả thiết thực và lâu dài.
Bên cạnh khuyến khích cư dân đạp xe, chủ đầu tư cũng liên tục nâng cấp hệ thống xe bus chất lượng cao Ecobus. Hiện nay, khu đô thị có gần 50 xe 29 chỗ, chia làm 10 tuyến tỏa khắp các quận trung tâm Hà Nội và nội khu Ecopark, với hơn 300 chuyến mỗi ngày. Nhờ sự tiện lợi này, Ecobus đã trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu của nhiều cư dân khu đô thị, giúp giảm lượng khí thải hàng ngày từ phương tiện cá nhân.
Bên cạnh đó, Ecopark cũng thiết kế và sản xuất túi vải bố đi chợ với logo của chiến dịch, bán trợ giá 20.000 đồng cho cư dân, du khách tại chợ quốc tế cuối tuần EcoSunday, nhằm thay đổi dần thói quen sử dụng túi nylon khi đi mua sắm. Cộng đồng cư dân cũng vận động nhau dùng làn khi đi chợ, chia sẻ bí quyết giảm thiểu rác thải nhựa tại khu đô thị, hay cách lựa chọn những sản phẩm, nhãn hiệu thân thiện với môi trường.
Cuối tuần, các buổi garage sale “Cũ người – Mới ta” cũng được cư dân tổ chức để trao đổi những đồ dùng còn có thể sử dụng, tránh phát thải. Cùng với đó, những gian hàng sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường hay chương trình “Đổi rác lấy cây” cũng được Ecopark thực hiện, giúp cư dân có thể tiếp cận sản phẩm xanh và nhận biết rõ hơn về các loại rác thải có thể gây hại nghiêm trọng cho môi trường.
Các dãy cửa kính lớn nhìn ra không gian ngập cây xanh của Ecopark vừa có tác dụng giúp nhân viên thư giãn, vừa tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Cửa kính này có thể cản nhiệt, giảm lượng điện năng tiêu thụ từ điều hòa không khí. Khu vực lễ tân đặt một hộp gom pin đã qua sử dụng cùng những lời nhắc nhở cán bộ nhân viên thực hành zero waste. Thay vì sử dụng cốc giấy, Ecopark tặng mỗi nhân viên một chiếc cốc sứ in tên của từng người. Cứ như thế, tinh thần “sống xanh” đã được lan tỏa tới từng người, từng góc tại văn phòng.
Khuyến khích cư dân thực hiện những hành động thiết thực, cụ thể để giảm rác thải, tiến tới mục tiêu zero waste, nhưng chủ đầu tư Ecopark không chỉ dừng lại ở đó, mà còn có các chương trình góp phần nâng cao nhận thức, nuôi dưỡng tinh thần bảo vệ môi trường cho mọi cư dân, đặc biệt là các em nhỏ. Một số chương trình nổi bật có thể kể tới như phiên bản cá Goby ăn rác nhựa làm từ tre và nứa được dựng tại Phố Trúc, nhắn nhủ mọi người thường xuyên thực hành lối sống hạn chế rác thải nhựa; hay những lời nhắc nhở, biểu ngữ cổ động mọi người sống xanh được “cài” khắp mọi nơi, từ trong thang máy đến sảnh ra vào căn hộ, từ bến chờ xe bus đến những cây xanh trong công viên Hồ Thiên Nga…
Những ngày cuối tuần, cư dân ở đây cùng đi nhặt rác khắp khu đô thị. Các em bé cũng được bố mẹ đưa đi cùng và được dạy cách phân loại rác. Trẻ em Ecopark trưởng thành và hình thành nhân cách từ những điểu nhỏ bé như vậy.
Cũng nằm trong chiến dịch, chủ đầu tư Ecopark phát động cuộc thi đóng góp sáng kiến, ý tưởng hay bảo vệ môi trường và sáng tạo những công trình – sản phẩm tái chế. Những thí sinh năng nổ nhất lại là các em bé lứa tuổi mầm non. Nhiều công trình tái chế độc đáo đã được các bé cùng thầy cô, bố mẹ chung tay thực hiện như “Ngôi nhà tái chế” của trường Creative Kinder Care hay sa bàn Ecopark của trường Vinakids. Trong các hoạt động, trẻ em thích thú sáng tạo nên những món đồ chơi mới từ vật dụng tưởng chừng bỏ đi. Đây không chỉ là cơ hội cho các con được rèn luyện kỹ năng khéo léo, tìm hiểu về kiến thức tái chế, mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ.
Cuộc thi kết thúc tốt đẹp với buổi triển lãm những công trình tái chế đẹp mắt và ý nghĩa. Đặc biệt, nhóm cư dân sống xanh Eco Eco đã dành toàn bộ phần thưởng cho giải nhất của mình làm những hộp đựng pin cũ đã qua sử dụng để tặng lại cho cộng đồng. Hành động mang đúng tinh tinh thần zero waste này sau đó đã được chia sẻ và áp dụng rộng rãi không chỉ tại Ecopark.Hơn cả một chiến dịch mang tính nhất thời, Ecopark đã xây dựng và phát triển khu đô thị dựa trên phong cách sống hài hòa với thiên nhiên. Thay cho những khu vui chơi nhân tạo sử dụng vật liệu bê tông, sắt thép hay nhựa, Ecopark đã kết hợp với doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (TPG) và các chuyên gia từ tổ chức Tokyo Play xây dựng sân chơi phiêu lưu mang phong cách Nhật Bản, thân thiện với môi trường.
Các em còn có thể trải nghiệm một số thử thách “mạo hiểm” hơn như chơi với lửa, nước, dùng búa, cưa, đinh… dưới sự giám sát của gia đình. Đây là những trò chơi được tận dụng từ đồ tái chế, từng quen thuộc với thế hệ ông bà, cha mẹ, nhưng không còn phổ biến với trẻ em thành phố ở thời điểm hiện tại. Ecopark cũng đầu tư xây dựng công viên sinh thái Hồ Thiên Nga với nhiều hoạt động gần gũi với thiên nhiên như chèo thuyền Kayak, cắm trại qua đêm bên ven hồ… Đây cũng là nơi cư dân và du khách được nhìn ngắm những loài chim quý hiếm như thiên nga, hạc và thả bước dạo bộ trên cung đường đánh thức 5 giác quan dài tới 10 km. Công viên đã trở thành điểm đến không chỉ của cư dân mà còn của nhiều gia đình sống tại trung tâm Hà Nội, khi muốn tìm một không gian xanh trong lành để thư giãn dịp cuối tuần.
Zero Waste Ecopark không đơn thuần một chiến dịch mang tính thời điểm, mà là cả một quá trình nhằm thay đổi thói quen. Đại diện Ecopark nhận định: “Tất cả mới đang ở vạch xuất phát. Để zero waste thực sự trở thành phong cách sống, chúng ta cần rất nhiều thời gian, tâm sức, sự bền bỉ và chung tay của mọi người. Zero Waste Ecopark sẽ là một chương trình dài hơi mà chúng tôi quyết tâm kiên trì theo đuổi”.