Bức tranh mùa xuân vĩnh cửu tại Khu đô thị xanh Ecopark
Theo lời mời của một cô bé đồng nghiệp cũ, tôi tới Khu đô thị xanh Ecopark vào một buổi sớm cuối tuần tháng 7 nắng như đổ lửa. Xếp đồ cho lũ trẻ mà lòng tôi có chút phân vân, lưỡng lự. Tôi không mấy hứng thú. Tôi sẽ cho lũ trẻ đi chơi vào một ngày nắng như vậy ư? Có lo lũ trẻ sẽ bị ốm sau một ngày dài đùa nghịch? Và tôi, sau một ngày vật lộn với chúng, có còn sức để đi làm vào đầu tuần sau không? Hàng loạt các câu hỏi nhảy nhót tới tấp trong đầu tôi cho tới khi cô bạn nhắn tin thông báo đồ ăn đã được chế biến sẵn, chỉ chờ chúng tôi có mặt. Nhìn hai đứa trẻ ủ rũ vì cớm nắng trong một thời gian dài, tôi quyết định lên đường.
Những vạt rừng nhiệt đới. “Ecopark ngay trước mắt, rẽ trái là tới rồi”, chồng tôi thông báo, sau tầm 20 phút chạy xe từ cơ quan tôi cạnh Nhà hát lớn. Tôi cẩn thận lấy Google Map ra check thử vì không tin chúng tôi tới nơi nhanh thế. Chưa kịp mở điện thoại ra thì chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi màu xanh. Anh chàng bảo vệ trẻ tuổi có má lúm, đôi mắt sáng và làn da màu mật óng ánh tươi cười cúi đầu thật thấp chào chúng tôi từ cổng.
Cái nắng chói chang gắt gỏng mùa hè chợt dịu xuống. Chạy được một quãng, hệ thống đo nhiệt bên ngoài của xe báo nhiệt độ giảm xuống 4 độ so với khi chúng tôi còn trong nội đô. Hai hàng Cọ Dầu cao vút bên đường nghiêng nghiêng cúi chào, xào xạc vui vẻ, thả những dây leo duyên dáng xuống đám cỏ xanh mướt mát. Loài cây thường được trồng nhiều ở bán đảo Mã Lai, nay được trồng thành hàng dài ở cổng vào với ý nghĩa mang đến niềm vui và may mắn cho bất kỳ ai đặt chân đến mảnh đất này. Chúng tôi như bước vào một thế giới khác, vừa tĩnh lặng vừa căng tràn sức sống, vừa gần gũi lại lạ kỳ. “Giống khu rừng trong truyện Alice quá mẹ ơi!”, Annie hét lên hào hứng.
Chúng tôi tới nhà Hải vào 9 rưỡi sáng. Cô đồng nghiệp duyên dáng ra đón chúng tôi, hơi phiền lòng khi phải thông báo rằng do chúng tôi quyết định khá muộn nên hơn 100 căn homestay tại Ecopark, không căn nào còn phòng. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi chỉ có thể trải nghiệm trong ngày hoặc ngủ lại nhà Hải nếu không thấy phiền. “Em là cư dân Ecopark nhưng thấy nhịp sống vẫn luôn yên bình nên cũng không tưởng tượng được lại nhiều khách du lịch tới đây đến thế. Em chủ quan quá. Hôm qua em mới liên hệ thì các host báo đợt này khách nước ngoài tới đây nghỉ dưỡng tránh nóng và tránh ô nhiễm dài ngày. Nếu không đặt lịch từ sớm thì khó mà còn phòng”, cô vừa phụgiúp gia đình tôi cất đồ vào nhà, vừa nói như thanh minh.
Vì còn sớm và bữa tiệc đã được chế biến sẵn sàng nên chúng tôi cho lũ trẻ ra Hồ Thiên Nga chơi trong lúc chờ tới giờ ăn trưa. Hồ Thiên Nga là một khu công viên cách nhà bạn tôi ở Rừng Cọ tầm 5 phút chạy xe. Chúng tôi chạy qua một con đường thênh thang phủ rợp sắc hoa giấy rực rỡ. Bức tranh nhiệt đới sống động với những vệt chấm phá hồng, cam, tím, đỏ ánh trên nền ánh nắng màu vàng gold óng ánh dần hiện ra trước mắt. Loài hoa bền bỉ, dễ trồng, dễ chăm sóc được phủ khắp thành phố Xanh hiến tôi liên tưởng tới những con đường từ sân bay Changji dẫn về trung tâm đảo quốc sư tử. Còn Annie thì như bị thôi miên, nó mở to mắt và thầm thì: “Không phải là khu rừng trong xứ sở diệu kỳ Alice nữa, mẹ ạ. Đây là Thành phố hoa giấy”. Tôi bật cười vì cô con gái mộng mơ của mình, trong khi bác lái xe điện có bộ râu như bác Hagris trong Harry Porter thông báo sẽ đi đường vòng để chúng tôi có dịp tham quan Grand Island. “Thăm rừng và thành phố rồi, giờ bác cho các con đi thăm đảo nhé!”, bác cười hào sảng.
Điểm nhấn của khu biệt thự mặt nước xa hoa bậc nhất đất Bắc là khu đồi hoa vàng. Các loài cây nơi đây được trồng xen kẽ theo mùa sao cho quanh năm nơi đây đều ngập tràn sắc hoa: trẻ trung rực rỡ với hướng dương mùa hạ, dịu dàng lãng mạn với hoa cải mùa đông hay mơ mộng mỏng manh với túy điệp hồng phấn mỗi độ xuân về. Thi thoảng, một vài gia đình đạp xe, chạy bộ men theo con đường 5km trải thảm cỏ hoa vàng mênh mông này.
Xe dừng tại Hồ Thiên Nga, lũ trẻ lập tức tháo dép ùa chạy chân trần trên thảm cỏ mịn được cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ. Dọc đường vào là những thuyền hoa xinh xắn xen kẽ cùng những cây thân gỗ cao hơn 2m được gắn những tấm biển gỗ xinh xinh nơi cô con gái út mới biết đọc của tôi tò mò đánh vần từng chữ: “Xin đừng hái hoa làm hoa đau”, “Tôi cung cấp đủ oxy cho 4 người”… Hơn 1 triệu cây xanh được trồng tại đây với tỷ lệ 120 cây/cư dân trên diện tích tự nhiên 110ha khiến tôi dần hiểu hơn về niềm tự hào, về tinh thần lành mạnh và phong thái nhẹ nhàng, thong dong mà những người Ecopark như Hải có được.
Càng đạt đến một đỉnh cao trong xã hội, dường như người ta càng muốn quay về để chạm vào bản thể. Càng nhiều sự kết
nối bên ngoài, người ta càng cần quay ngược vào đối thoại với bản thân, vừa đứa trẻ bên trong mình để tìm lại sự cân bằng. Tôi cởi bỏ đôi giày, chạm chân trần xuống mặt đất chưa được bê tông hóa, ngắm nhìn lũ trẻ trèo lên những căn nhà gỗ, cười khúc khích cho bầy thiên nga ăn, đuổi bắt chú sóc nhỏ, thoăn thoắt đu mình trên những sợi thừng, nằm lăn trên bãi cỏ và chạy lăng xăng hít hà những bụi hồng tiểu muội mà thấy lòng mình rộn ràng niềm vui. Chưa bao giờ tôi thấy lũ trẻ nhiều năng lượng đến thế.
Tôi hạnh phúc khi thấy mình trên hành trình của chuyến đi quay về tuổi thơ, cùng với chính những đứa con của mình sống lại những khoảnh khắc quý giá của ngày hôm qua để có thể tạo ra những kỷ niệm đẹp đẽ của ngày mai. Những ông chồng còn muốn nán lại chèo kayark ra câu cá, nhưng cơn đói đã kéo chúng tôi về khu vườn quanh năm gió mát và ngập tràn tiếng chim của cô bạn nhỏ, nơi than đã hồng và bữa tiệc đang chờ sẵn. Hơi thở Ecopark – Những mảng màu sống động. Sau khi đi xem phim, chúng tôi sà vào EcoSunday, hội chợ ngoài trời được họp vào mỗi cuối tuần. Khác với những phiên chợ bát nháo mang màu sắc thương mại khác tụ hội đủ các tiểu thương từ tứ xứ cùng các món đồ thượng vàng hạ cám, EcoSunday thực sự là một bức tranh văn hóa sống động cần được khám phá khi tới Ecopark.
Nếu như thiên nhiên nơi đây cho phép mỗi người quay lại với bản thể của mình, thì EcoSunday cũng là nơi người ta tìm thấy phương thức trao đổi hàng hóa thú vị từ xa xưa. Ecopark là nơi cư trú của khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam….). EcoSunday là nơi hàng tuần các cư dân Ecopark gặp gỡ nhau, giới thiệu, trao đổi các sản vật địa phương của quê hương mình, họa nên một bức tranh đa văn hóa sống động, rực rỡ. Những chiếc foodtruck nhiều màu sắc xếp xem kẽ lẫn nhau hết sức vui mắt khiến chúng tôi nhớ lại những chiếc xe của cộng đồng người Digan trên cánh rừng thông trước ký túc xá Bordeaux thời còn đi học.
Ở cổng vào chúng tôi gặp gian hàng của chị Hương là cư dân ở Rừng Trúc. Chị Hương mời chúng tôi nhấp một ly rượu mơ và nếm thử quả mơ sấy mà chính tay mẹ chồng chị trên Tây Bắc làm. Mỗi mùa, chị Hương chỉ bán đúng 20 chai rượu mơ và 30 hũ mơ sấy. Bên cạnh gian hàng đồ trang sức thủ công do các cô bé cậu bé Ecopark bán gây quỹ từ thiện là gian hàng của anh Tuấn cùng người vợ Ba Lan. Cô vợ tự hào giới thiệu món xúc xích Kabanosy được nướng với gỗ sồi tự nhiên của quê hương mình. Kế bên là một anh chàng Hàn Quốc bán bánh gạo. Ở đây, người Hàn Quốc chiếm tỷ lệ đông nhất với 200 hộ gia đình. Nhận ra tôi đang nói tiếng Anh với giọng Pháp, gã trai Monaco bán bánh crêpe chạy lại hỏi chuyện và làm quen. Vừa thoăn thoắt đánh bột, gã vừa luôn miệng kể chuyện cho người khách mới quen với giọng điệu hào hứng như thể lâu rồi mới gặp người nói tiếng Pháp. Chàng trai từ xứ sở hoa lệ Monaco đã từng là một trong 3 Giám đốc kinh doanh của Gallery La Fayette. Thế rồi gã từ bỏ Paris, nghe theo tiếng gọi tình yêu của một cô gái Việt và theo cô nàng về tận Ecopark này sinh sống. “Phụ nữ Việt đẹp, nhưng khó chiều. Công nhận không?”, gã nháy mắt với chồng tôi và đem ra mời chúng tôi một ly bia tươi.
Chiều xuống, vì đã có một food tour đặc sắc và đáng nhớ tại hội chợ, chúng tôi không còn nhu cầu ăn tối. Cả nhóm rủ nhau ra Eagle bar ngắm hoàng hôn. Trên chiếc thuyền giữa bồng bềnh sóng nước, chúng tôi nhâm nhi ly cocktail, lắng nghe tiếng guitar dặt dìu bản nhạc đồng quê của anh chàng Maroc, ngắm quả cầu lửa đang hạ dần xuống đường chân trời. Ở một góc kia, hai đứa con gái của tôi đang bày giấy và màu ra vẽ. Chúng vẽ bức tranh mùa xuân vĩnh cửu, nhưng không phải từ nguồn cảm hứng của bài thơ Fasti về mùa xuân và các lễ hội như người họa sĩ Ý năm nào, mà từ những mảng màu rực rỡ của Ecopark mà chúng đã cảm nhận trọn vẹn bằng cả 6 giác quan.