Sắt mỹ nghệ – Nét Đông Dương trong thiết kế thang máy Ecopark Sofitel Villa
Là công cụ trang trí cao cấp trong các công trình kiến trúc của Pháp từ thế kỷ 16, sắt mỹ nghệ trở thành một điểm nhấn mang phong cách kiến trúc phương Tây. Đây cũng là chi tiết được sử dụng trong hệ thống thang máy tại Sofitel Hanoi Ecopark, tạo nên nét chấm phá ấn tượng cho kiệt tác kiến trúc Thành Cổ Hoa Sen.
Lịch sử ra đời sắt mỹ nghệ
Sắt mỹ nghệ hay còn gọi là sắt mỹ thuật, có nguồn gốc từ cụm từ “wrought iron” bắt nguồn từ cách thức làm nên sản phẩm. Sau một thời gian dài nhầm lẫn trong việc sử dụng từ ngữ, từ “wrought” đã thế chỗ cho từ “worked”. Nên về mặt chữ nghĩa, “wrought iron” chính là “worked iron” có nghĩa là “sắt đã được rèn”.
Sắt rèn không giòn như sắt đúc (gang), mà cứng, khỏe hơn nên dễ hàn hơn. Chính nhờ tính chịu uốn và cứng cáp của mình, sắt rèn đã được sử dụng từ hàng ngàn năm trước.
Ở thời xa xưa, thợ rèn có vai trò quan trọng như một bác sĩ – bác sĩ giúp mang sức khỏe cho cộng đồng, còn thợ rèn lại giúp cho xã hội phát triển. Những người thợ rèn là người có khả năng chuyển đổi những thứ thô cứng trở nên mềm mại.
Sắt mỹ thuật được sử dụng rộng rãi, phổ biến tại phương Tây từ nhiều thế kỷ trước
Vào khoảng thế kỷ thứ VIII trước công nguyên, các nền văn minh sớm như Hittile, người Hy Lạp Mycenaean đã bắt đầu trang bị cho họ những thanh kiếm bằng sắt. Với những ưu điểm vượt trội, việc sử dụng vũ khí bằng sắt đã lan rộng từ Trung Đông đến Hy lạp, khu vực Aegean vào khoảng 1000 năm trước công nguyên, sau đó tiếp tục lan đến phía tây và trung tâm Châu Âu vào khoảng 600 năm trước công nguyên.
Trước thời kỳ Trung cổ, sắt rèn đã được sử dụng chủ yếu cho các loại vũ khí, công cụ, tuy nhiên thời trung cổ đã đem đến vô số phương pháp, cách thức sử dụng sắt rèn. Sắt bắt đầu được sử dụng ở các cửa ra vào và cửa sổ của tòa nhà để chống lại các cuộc tấn công của cướp. Tại đây một xu thế mới đã xuất hiện và là tiền thân của sắt mỹ thuật hiện nay, đó là nhu cầu về trang trí.
Năm 1784, sự phát minh ra kiểu lò puddling đã đưa sắt rèn lên đỉnh cao của nó. Kỹ thuật puddling cho phép sản xuất sắt mà không cần sử dụng than. Chính điều này làm cho việc sử dụng sắt bùng nổ và tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp.
Vẻ đẹp sang trọng, cổ điển của những đường nét sắt mỹ thuật
Từ thế kỷ 16 trở đi, sắt mỹ thuật đã phát triển và trở thành công cụ trang trí cao cấp, từ các nhà thờ của Tây Ban Nha cho đến các ban công, hàng rào, và cửa cổng của Pháp. Sự xuất hiện của các cầu thang lượn, cửa cổng, cửa đi khắp London, thậm chí lan tòa cả sang Mỹ đã đánh dấu sự bùng nổ của sắt mỹ thuật vào thế kỷ 18, trong đó phong cách Pháp là nổi trội, được yêu thích nhất.
Nhu cầu về sắt rèn đạt đỉnh điểm vào năm 1860 không chỉ vì sự gia tăng về nhu cầu trong chiến tranh như sản xuất tàu chiến bọc thép, xe tăng, súng ống, mà còn do sự bùng nổ của cuộc công nghiệp đường sắt trên toàn nước Mỹ, sự gia tăng về nhu cầu sản xuất các mặt hàng dân dụng như dụng cụ nấu ăn, bếp lò, ổ khóa và các mặt hàng gia dụng khác.
>> Đọc thêm: Phong cách Indochine: Bản giao hưởng êm dịu giữa nét đẹp Tây và Á Đông
Sắt mỹ nghệ và những công trình thế kỷ trên thế giới
Trở thành trào lưu từ thế kỷ 16, 17 – các sản phẩm sắt mỹ nghệ đã để lại cho chúng ta nhiều công trình lịch sử.
Cổng nhà thờ Đức Bà ở Paris
Khởi công: năm 1160. Hoàn thành: năm 1260.
Đây là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic Pháp, với những chi tiết sắt uốn tinh tế, cầu kỳ bố trí dày đặc trên nền cửa gỗ.
Những hoa văn độc đáo ấn tượng trên bức tượng gỗ nhà thờ Đức Bà, Paris
Viện bảo tàng Louvre – Paris, Pháp
Năm 1190: Vua Phillippe Auguste cho dựng một pháo đài để ngăn chặn sự xâm chiếm của những tên cướp biển Vikings.
Thế kỷ 14: được cải tạo thành bảo tàng Louvre
Kiến trúc bảo tàng Louvre là thiết kế theo lối kiến trúc Phục hưng của Pháp. Louvre được giới chuyên môn đánh giá là độc đáo nhất trong số các bảo tàng trên thế giới. Từng chi tiết tại công trình đều toát lên được hơi thở của thời kỳ Phục hưng. Tiêu biểu trong đó phải kể đến ban công nghệ thuật và hàng rào được sử dụng các mẫu hoa văn tinh tế, mềm mại bằng nghệ thuật sắt mỹ nghệ trang nhã, nhấn nhá thêm cho vẻ đẹp và sự bề thế của kiến trúc bảo tàng.
Ban công và hàng rào tại viện bảo tàng Louvre – Paris được thiết kế trang nhã
Thánh đường Sagrada Família – Barcelona, Tây Ban Nha
Được khởi công từ năm 1882, hoàn thành: sau 136 năm nó vẫn chưa hoàn thành dù hàng năm thu hút 20 triệu du khách đến chiêm ngưỡng với 4.5 triệu người vào bên trong nhà thờ (dự kiến hoàn thành năm 2026).
Đây là công trình do Antoni Gaudí tác tạo, và là một trong những công trình được ông vận dụng sắt uốn một cách tài tình vào không gian kiến trúc, hội tụ đủ độ quái – độc – lạ. Thánh đường Sagrada Família khiến người ta phải ngạc nhiên bởi sự mềm mại, thanh thoát khi vận dụng kỹ thuật sắt uốn trên các chi tiết trang trí cổng ra vào.
Kỹ thuật uốn sắt độc đáo, ấn tượng ở cổng ra vào của Thánh đường Sagrada Família
Bảo tàng Victoria & Albert – London, Anh
Được thành lập từ năm 1852, đây là nơi lưu giữ bộ sưu tập đa dạng hiện vật mang hoa văn, chi tiết tạo nên từ sắt không chỉ của riêng nước Anh mà toàn vùng châu Âu, có niên đại từ thế kỷ 12 đến nay, với số lượng hàng đầu thế giới. Bộ sưu tập tái hiện quá khứ vàng son trong chế tác sắt mỹ nghệ cùng rất nhiều hiện vật đặc dị mà cách làm và tay nghề thể hiện nay đã thất truyền.
Bảo tàng Victoria & Albert là nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất thế giới về những sản phẩm hoa văn từ sắt
Trào lưu sắt mỹ nghệ tại Việt Nam
Dấu mốc đáng nhớ trong nghề rèn sắt tại nước ta là khi tuyến đường tàu hỏa Hà Nội – Vân Nam được khởi công từ năm 1901 – 1910, phố Lò Rèn được người Pháp đặt hàng các bu-lông, con tán phục vụ việc xây dựng đường sắt. Sau đó, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các công trình kiến trúc thuộc địa tại Việt Nam từ năm 1910 – 1945, cùng với trào lưu sử dụng sắt uốn mỹ nghệ trong trang trí theo phong cách Art Nouveau và Art Décor đang làm mưa làm gió tại các nước phương tây như Pháp, Ý, Tây Ban Nha,…thợ rèn bản địa bắt đầu tham gia chế tác sắt mỹ nghệ, với nền tảng là văn hóa du nhập từ Pháp.
Lúc bấy giờ, người Pháp đã đưa sắt mỹ nghệ vào rất nhiều các công trình kiến trúc mà họ xây dựng tại Việt Nam. Đặc biệt, yếu tố bản địa được các kiến trúc sư người Pháp rất tôn trọng trong các công trình, tiêu biểu có thể kể đến như:
Trường Đại học Đông Dương (1921 – 1927)
Mặt dựng của đại học Đông Dương thể hiện rõ sự tôn trọng văn hóa bản địa của KTS Ernest Hébrard – cha đẻ của kiến trúc Đông Dương.
Tại cổng chính được sử dụng hoa sắt với thiết kế hai chữ U-I lồng vào nhau có nghĩ là Université de I’Indochine. Bao quanh cửa ra vào là hoa sắt hình bóng đèn điện, tạo hình giống đồ án “liên tiền” theo kiến thức Á Đông.
Hoa văn trên cửa ra vào của trường đại học tổng hợp mang vẻ đẹp cổ điển, hài hòa với kiến trúc của công trình
Nhà hát lớn Hà Nội
Trong số những công trình sử dụng chấn song hoa sắt sớm, gây chú ý ở Hà Nội là nhà hát Lớn – hoàn thiện từ năm 1911 theo nguyên mẫu nhà hát Opéra Garnier, Paris. Những đường nét chắc khỏe, bố cục đối xứng, uốn lượn mềm mại theo phong cách Art Nouveau, nhưng quy mô tiết chế tạo cho chấn song hoa sắt ở cửa ra vào Nhà Hát Lớn Hà Nội điểm nhấn hòa hợp với kiến trúc bề thế của cả công trình.
Cổng vào của nhà hát lớn Hà Nội gây ấn tượng với những chi tiết sắt mỹ nghệ mang phong cách Art Nouveau
Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính Phủ)
Một công trình khác nổi bật ở Hà Nội sử dụng sắt mỹ nghệ trong trang trí là Bắc Bộ Phủ ( nay là nhà khách Chính Phủ tại 12 Ngô Quyền ) được xây dựng năm 1919. Công trình được thiết kế với hoa sắt ở cổng rào, mái hiên và cửa đi theo phong cách Art Nouveau, nhưng lại được giản lược nhiều chi tiết hình học theo nguyên mẫu. Nhờ vậy, công trình mang thiết kế đóng nhưng lại rất mở bởi lớp ngăn cổng rào thanh thoát, duyên mảnh, tôn lên khối kiến trúc và mái hiên – một kiểu thức lặp lại như kiến trúc cửa hông Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Cánh cổng nhà khách chính phủ mang vẻ đẹp thanh thoát, cổ điển
Phủ Chủ Tịch (1901 – 1906)
Phủ Chủ Tịch (trước là Phủ toàn quyền Đông Dương) là công trình lồng ghép hài hòa các hoa văn, họa tiết, các đường kỷ hà theo phong cách phương Tây và yếu tố bản địa. Nổi bật là cánh cổng sắt Phủ Chủ Tịch đã tạo nên nhiều dấu ấn đặc biệt với hình ảnh lá cây Ô rô (Acanthus) hòa hợp với hoa sen. Những chi tiết sử dụng sắt uốn mỹ nghệ đã giúp tôn lên vẻ đẹp tổng thể cho công trình này.
Phủ chủ tịch – công trình kiến trúc mang đậm phong cách Đông Dương
Dinh Thống Nhất
Cổng rào lịch sử của Dinh Thống Nhất cũng là biểu tượng đẹp về mỹ thuật còn sót lại của Dinh Norodom xưa ( 1868 ). Với trang trí đối xứng theo phong cách Art Nouveau, lớp tường rào uốn sắt càng tạo nên vẻ bề thế, uy phong cho Dinh Thống Nhất.
>> Đọc thêm: Ngói Lưu Ly – Dấu ấn một vương triều khơi nguồn cảm hứng thiết kế Ecopark Sofitel Villa
Sắt mỹ nghệ – Điểm nhấn của kiến trúc Đông Dương tại Ecopark Sofitel
Lấy cảm hứng từ sự giao thoa văn hóa Việt và nghệ thuật Đông Dương những năm 1930 – hơi thở kiến trúc Đông Dương được “len lỏi” vào từng chi tiết tại Ecopark Sofitel. Sắt mỹ nghệ là một trong những chi tiết đắt giá đó.
Từng chi tiết sắt uốn mỹ nghệ được chế tác và gia công một cách tỉ mỉ, khiến cho bất kỳ ai khi bước vào thang máy Ecopark Sofitel đều có cảm giác như được du hành thời gian trở về với giai đoạn lịch sử Việt Nam những năm 1930.
Sự lồng ghép các hoa văn, họa tiết, những đường nét vừa chắc khỏe, vừa mềm mại của sắt mỹ nghệ là một điểm nhấn ấn tượng, càng tôn lên cho vẻ đẹp và câu chuyện mà kiến trúc sư muốn kể tại Ecopark Sofitel.